Nhớ vị cơm nếp quê nhà

Cập nhật ngày: 18/12/2016 15:01
Số lượt xem: 227  In

Cơm nếp dẻo thơm ăn với cá, thịt nướng và các loại rau rừng đã hòa quyện với nhau để trở thành bản sắc của bữa ăn Thái. Nếu khách lạ vẫn lưu luyến hương vị ấy thì người Thái cười nói với khách rằng, không cần đợi đến lễ hội mới có cơm nếp mà hàng ngày, cơm nếp luôn sẵn sàng mời khách ghé đến Thái Sơn.

Vị cơm nếp thân quen là một phần đời sống ẩm thực của đồng bào Thái, để rồi khi đi xa, các hộ đồng bào vẫn giữ cho mình tập tục ăn cơm nếp hằng ngày như để xua tan nỗi nhớ quê nhà và nồi cơm nếp vẫn bốc khói thơm nức trong mỗi bữa ăn của các hộ đồng bào vào lập nghiệp tại thôn Thái Sơn, xã N’Thôl Hạ, Đức Trọng (Lâm Đồng)

Bà Bạc Thị Thim đong lúa nếp chuẩn bị cho bữa ăn.

Hơn 30 năm xa quê, hương cơm nếp vẫn la đà vướng vít trước mỗi bữa ăn trong không gian thôn Thái Sơn. Hương thơm ấy khiến Thái Sơn vẫn như nguyên nét của bản làng miền Tây Bắc.

Từ năm 1978, từ những rẻo cao phía Bắc, những hộ gia đình đầu tiên đi kinh tế mới đến với đất Lâm Đồng. Trong hành trang ngày ấy, ước mong khai phá vùng đất mới song hành cùng khát khao vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, giới thiệu văn hóa Thái trong vùng đất đa sắc tộc là hai nỗi niềm lớn nhất của những bước chân khai hoang. Vì thế, không khí hăng say sản xuất được xen lẫn với những ngày hội, mọi người cùng vui hội để rồi có thêm sức mạnh lao động, chinh phục đất bazan màu mỡ.

Bên trang phục người phụ nữ lấp lánh khuy bạc đính trên áo com, khăn piêu điệu đàng, lễ hội rộn ràng những điệu hát then và không bao giờ thiếu cơm nếp. Cơm nếp dẻo thơm ăn với cá, thịt nướng và các loại rau rừng đã hòa quyện với nhau để trở thành bản sắc của bữa ăn Thái. Nếu khách lạ vẫn lưu luyến hương vị ấy thì người Thái cười nói với khách rằng, không cần đợi đến lễ hội mới có cơm nếp mà hàng ngày, cơm nếp luôn sẵn sàng mời khách ghé đến Thái Sơn.

Gia đình ông Lò Văn Chờ và bà Bạc Thị Thim đã hơn 30 năm xa quê nhưng quê hương vẫn gần lại trong gia đình ấy qua bữa cơm. Trong nhà ông bà luôn có đủ ba bữa cơm nếp với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Các cháu nhỏ trong nhà cũng như được tiếp nối khẩu vị, chỉ thích ăn cơm nếp do bà nấu. Bà kể rằng ông bà khi vào quê mới đã đem theo nếp giống, thử gieo trồng trên ruộng và lúa nảy mầm cho từng vụ mùa thu hoạch. Gia đình giờ có 2 sào trồng lúa nếp, sản xuất một vụ và để dành ăn cả năm. Tuổi già của ông bà vui vẻ khi cùng xay lúa, sàng cho thật sạch để nồi cơm nếp được thơm ngon. Ăn cơm nếp như lưu giữ cội nguồn, là truyền thống tiếp nối từ đời này sang đời khác. Khi không có nếp, ai cũng thấy khẩu vị nhàn nhạt, cơm nếp làm các món ăn trong bữa ăn thêm đậm đà chất quê.

Ông Lương Văn Phước có nhiều năm làm Trưởng thôn Thái Sơn. Ông hào hứng khi nói về tục ăn cơm nếp của đồng bào. Từ xưa, tổ tiên người Thái thường định cư ở những thung lũng lớn, phì nhiêu, điều kiện tự nhiên ấy tạo nên đời sống chủ đạo của đồng bào là chuyên canh trồng lúa và đánh bắt. Kỹ thuật trồng lúa nếp lâu đời khiến nếp người Thái sản xuất ra thường dẻo và thơm, cơm nếp trở thành là món ăn thường nhật trong mỗi bếp lửa gia đình. Đi xa, dân thôn Thái Sơn sống quần cư, nhà kề nhà, bếp lửa này thơm hương nếp khiến bếp lửa nhà bên cạnh cũng như được nhắc nhớ. Hơn nữa, cơm nếp đã là nhu cầu không thể thiếu được của bà con.

Hiện trong thôn, dù làm nghề gì hay trồng loại cây gì, hầu như nhà nào cũng giành từ nửa sào đến vài sào trồng lúa nếp. Có loại nếp như nếp đen là loại nếp cổ, năng suất thấp nhưng lại nấu nên cơm rất dẻo và thơm; nếp bi được chọn lọc qua thời gian, cũng tạo nên nồi cơm nếp thơm đến nưng nức. Hít hà hương vị đó, người Thái quay quắt nỗi nhớ và bữa cơm nếp cứ thế đều đặn trong mỗi nếp nhà.

Đến ngày lễ lớn, những hạt nếp ngon nhất được để dành cho dịp trọng đại. Lúc đó, bản sắc Thái lan tỏa. Nắm cơm nếp thường dằn chặt bụng và rất nặng nghĩa tình.


Nguồn: Hải Yến (Theo baolamdong.vn)

 CÁC DÂN TỘC

 LOẠI HÌNH VĂN HÓA

 TIN TỨC

 TAGS

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 13 người

Lượt truy cập: 4870810

 LIÊN KẾT WEBSITE

BAN DÂN TỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 108 Ngô Quyền, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 38552621, Fax: (08) 38591516

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ kho dữ liệu này.