Mượt mà câu hát aray

Cập nhật ngày: 18/12/2016 15:01
Số lượt xem: 151  In

Aray còn được hát trong các gia đình có người mới qua đời, như để kể lại cuộc sống của người đã khuất cũng như giúp gia đình xua tan bớt nỗi buồn. Trong lúc diễn xướng, mỗi người hát phải tìm cho mình những câu hát phù hợp để đối đáp với người khác.

Mặc dù còn khá đơn giản, mộc mạc, nhưng những câu hát aray của người Ê đê được sáng tác dưới dạng văn vần, luôn có giai điệu mượt mà, da diết, mang đậm nhịp điệu của thiên nhiên đã làm nên một làn điệu dân ca khá độc đáo...

Năm 16 tuổi, H’Ni ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút) đã bắt đầu biết hát những câu hát aray của dân tộc Ê đê. Hiện nay, sau hơn 40 năm mê hát và trở thành người diễn xướng chính trong các lễ hội của buôn làng, bà H’ Ni đã thuộc hàng trăm câu hát aray. Ngoài những ngày lên nương, lên rẫy, bà lại tham gia đi hát trong các lễ hội của buôn làng và các vùng lân cận khi được mời.

Không chỉ vậy, bà còn cải biên một số câu hát cổ ngày xưa thành những câu hát mới làm phong phú thêm cho những câu hát aray của dân tộc mình. Bà H’ Ni tâm sự: “Ngày xưa, tôi theo chị đi hát đối đáp aray trong các lễ hội, rồi thích, rồi mê lúc nào không biết. Vào mỗi dịp lễ hội, tôi lại chăm chú nghe các thanh niên, người già trong buôn hát, rồi bắt chước hát theo, nên thuộc thêm được nhiều câu hát aray mới”.

Theo bà H’ Ni thì aray thường được hát trong lúc lao động sản xuất cũng như những lúc đêm xuống khi bên bếp lửa, với những ché rượu cần. Lễ bỏ mả của người Ê đê cũng được tổ chức với nhiều nghi lễ, trong đó có hát aray vì đồng bào quan niệm người chết sẽ “đầu thai” kiếp khác. Aray còn được hát trong các gia đình có người mới qua đời, như để kể lại cuộc sống của người đã khuất cũng như giúp gia đình xua tan bớt nỗi buồn. Trong lúc diễn xướng, mỗi người hát phải tìm cho mình những câu hát phù hợp để đối đáp với người khác.

 

Các nghệ nhân trình diễn nhạc cụ đinh năm hòa cùng tiếng hát aray. Ảnh: Internet


Tương tự, bà H’Mi cũng ở buôn Nui cũng đã tự học hát aray của dân tộc mình qua các lễ hội và người già. Sau nhiều năm hát, bà còn nhớ được hơn 40 câu hát aray, thuộc các hoạt động lễ hội, các mùa khác nhau. Bà H’ Mi cho biết: “Người hát và nhớ được nhiều câu hát aray là người có niềm đam mê, có trí nhớ tốt mới có thể thể hiện một cách đằm thắm, mượt mà, làm lay động người nghe”.
 
Người dân ở buôn Nui vẫn nhớ cô gái H’Vi đã làm nhiều chàng trai trong các buôn làng say đắm bởi giọng hát hay và khả năng đối đáp tài tình trong những buổi hát đối đáp aray. Và cuối cùng H’ Vi  đã “giả vờ thua” để cưới chàng trai Y Đrắc làm chồng. Chị H’ Vi tâm sự: “Ngày trước, mỗi khi hát thì thường có một phần cược cho vui như một ché rượu, hay uống hết ly rượu... bên nào thua thì phải thực hiện những điều đã cược. Đó là những phần thưởng, phần phạt giúp người chơi thêm vui tươi, hào hứng hơn”. Chị H’ Vi đã thể hiện rất sinh động một đoạn hát aray theo kiểu nam nữ tán tỉnh nhau: “Nàng ơi, tóc em đẹp anh mê, mắt em sáng hớp cả hồn anh/ Váy em mặc đã sờn, vòng em đeo đã cũ, anh muốn đổi cho em tất cả là mới, cho em đẹp lên nhiều…’’. Còn cô gái đối đáp lại: “Gặp cô nào anh cũng nói vậy em chẳng tin đâu/ Có thực lòng với em hãy leo lên quả núi mà nhảy xuống vực sâu bắt con cọp lột da cho em làm chiếu ngủ…”.
 
Trong hát aray của người Ê đê không thể thiếu chiếc Đinh năm (được làm từ trái bầu và 6 ống nứa), là nhạc cụ dẫn nhịp cho người hát. Điều quan trọng nhất trong hát aray là phải bắt nhịp được với Đinh năm và phải ngắt nhịp vào câu hát tiếp theo phù hợp. Tiếng Đinh năm cất lên ở đâu cũng là tiếng báo hiệu cho người trong buôn đến để nghe hát aray. Theo bà H’ Ni thì ngày trước, đời sống tinh thần của người dân chỉ có tiếng chiêng, Đinh năm và aray nên có nhiều người mê vì rất dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ. Bây giờ, nhạc hiện đại nhiều, hơn nữa môi trường diễn xướng bị thu hẹp nên lớp trẻ bị chi phối nhiều, ít được tiếp cận với loại hình văn hóa dân gian này. Tuy nhiên, hiện nay được sự quan tâm của chính quyền địa phương, việc truyền dạy hát aray cho lớp trẻ cũng đã được bước đầu thực hiện. Điển hình như bản thân bà hiện đang tham gia dạy cho các thanh niên trong buôn học hát aray. Với lợi thế là những câu hát đã được bà ghi ra giấy, hát mẫu nên lớp trẻ có nhiều thời gian để học hơn. Bên cạnh đó, nhiều người còn biết dùng điện thoại ghi âm để về nhà nghe lại và học theo, nên việc dạy và học rất nhanh, thuận lợi. 


Nguồn: Đức Hùng (Theo baodaknong.org.vn)

 CÁC DÂN TỘC

 LOẠI HÌNH VĂN HÓA

 TIN TỨC

 TAGS

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 17 người

Lượt truy cập: 4876981

 LIÊN KẾT WEBSITE

BAN DÂN TỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 108 Ngô Quyền, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 38552621, Fax: (08) 38591516

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ kho dữ liệu này.