Ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang mai một

Cập nhật ngày: 18/12/2016 01:40
Số lượt xem: 695  In

Để bảo tồn ngôn ngữ tộc người thiểu số thì trước hết chính người dân phải truyền dạy ngôn ngữ cho con em mình. Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hàng ngày cho con cháu thì không chính quyền, nhà nghiên cứu nào có thể giúp họ làm sống lại ngôn ngữ được.

Chữ viết, tiếng nói là một tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người. Đồng thời, tiếng nói là một thành tố cơ bản của văn hóa. Ấy vậy mà những thành tố quan trọng đó đang dần mai một ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số.

- Em nói được nhưng ra ngoài nói thì ngại lắm. Chắc tại như vậy nên dần dần mới quên hết.

- Ở nhà, bố em dùng tiếng phổ thông. Bố em chỉ dùng tiếng Mường với ông bà nội, các bác. Em nói tiếng Kinh, em không biết nói tiếng Mường.

Hai bạn sinh viên dân tôc Thái và Mường, đang học đại học ở Hà Nội đã tâm sự như vậy khi được hỏi rằng: bạn có biết nói tiếng mẹ đẻ của mình không?

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Danh, người Ba Na Krem, ở Bình Định, cũng khẳng định: “Thậm chí là người lãnh đạo, nói tiếng Ba Na thì thao thao bất tuyệt nhưng chữ thì không biết đâu”.

Thạc sĩ Bàn Quỳnh Giao, người Dao Tiền, quê xã Quy Thành (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, bộc bạch:

- Thế hệ trẻ người Dao hiện nay, cả tôi, có thể ngồi nghe các ông bà nói chuyện, nhưng để giao tiếp với người già thì chúng tôi lại không nói được. Thứ hai nữa là lớp trẻ chúng tôi, nhu cầu học tiếng Dao không nhiều. Bởi vì chúng tôi thường nghĩ rằng: cứ sử dụng tiếng Kinh, giao tiếp được và làm việc được, thế là thuận tiện. Chúng tôi quên mất ngôn ngữ mẹ đẻ là ngôn ngữ cần thiết trong đời sống của mỗi một người Dao.

Không nói tiếng dân tộc mình nữa, để mọi người không biết mình là người dân tộc thiểu số - không ít người bạn của chị Bàn Quỳnh Dao suy nghĩ như vậy. “Tôi ngày xưa đi học ở trường dân tộc nội trú cũng thế. Ở đấy là toàn bộ dân tộc thiểu số. Chúng tôi có thể giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng chúng tôi cũng không dám giao tiếp, vì sợ nói ra thì mọi người chê mình là người dân tộc thiểu số” – chị Giao nhớ lại.


Dao co 2.jpg

Lớp học chữ cổ người Dao. Ảnh: KT

Người Dao có nhiều nghi lễ gắn với vòng đời. Thầy cúng không thể thiếu trong các nghi lễ đó. Các thầy cúng liệu có am hiểu về chữ Nôm Dao không? Theo thạc sĩ Dao, người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao hiện nay dường như chỉ dừng lại ở những người làm thầy cúng. Các thầy cúng thường xuyên sử dụng chữ Nôm Dao để cúng, nhưng không phải ai cũng hiểu được nghĩa. Nhất là các thầy cúng trẻ hiện nay, thường học vẹt. Họ thuộc làu nhiều quyển sách Nôm Dao dày cả trăm trang, nhưng ai muốn tìm hiểu, hỏi thầy, thầy cũng chỉ biết nói nôm na nội dung cả cuốn. 

Thạc sĩ Bàn Quỳnh Giao đã thực hiện một số chuyến điền dã để tìm hiểu điều này. Và những gì chị ghi nhận được phản ánh tình trạng chung hiện nay ở nhiều vùng dân tộc thiểu số:

- Văn bản ghi chép bằng tiếng Nôm Dao còn được lưu truyền rất nhiều trong cộng đồng người Dao. Thế nhưng người dịch được các văn bản này, tạm gọi là nghệ nhân, thì như ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) còn được 1 người. Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) còn 1 người nhưng dịch không chắc chắn lắm. Huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) thì không thầy cúng nào có thể dịch được những bài cúng Nôm Dao này.

Ngoài giải pháp như dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh trong trường học, dạy cho cán bộ, giáo viên đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số, theo thạc sĩ Bàn Quỳnh Giao, cần tính tới những cách làm “bền vững”:

- Chính phủ và cộng đồng người Dao cần khuyến khích, động viên người Dao ở các bản làng giao tiếp hàng ngày bằng tiếng dân tộc mình; để bà con cảm thấy tự hào, từ đó ý thức hơn nữa trong việc gìn giữ và bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, tránh tình trạng sử dụng thiên lệch ngôn ngữ dân tộc trong đời sống tộc người. Và đặc biệt là theo tôi, nên có một cuốn từ điển riêng cho người Dao, dạy một cách bài bản cho thế hệ trẻ.

Nhiều người đồng tình với quan điểm của ông Đào Trọng Chương, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc: để bảo tồn ngôn ngữ tộc người thiểu số thì trước hết chính người dân phải truyền dạy ngôn ngữ cho con em mình. Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hàng ngày cho con cháu thì không chính quyền, nhà nghiên cứu nào có thể giúp họ làm sống lại ngôn ngữ được.

 

- Hiện nay, nhiều dân tộc không còn tiếng mẹ đẻ. Đồng bào dân tộc Bố Y ở Lào Cai hầu như không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phương Nam). Còn người Bố Y ở Hà Giang chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày.

-  Người Phù Lá gồm 2 ngành Pu Là và Xa Phó. Người Xa Phó còn giữ được tiếng mẹ đẻ nhưng toàn bộ gần 5.000 người Pu Là không nói được tiếng mẹ đẻ và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa.

-  Tương tự như vậy, người Cờ Lao đỏ ở Hà Giang  không còn nói được tiếng mẹ đẻ. 

- Ở vùng Tây Bắc, các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch. Ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc La Ha chỉ còn một số từ vựng cơ bản trong các bài cúng cổ. Ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun cũng có tới 70-80% là tiếng Thái.

- Dân tộc Ơ Đu, dân số hiện chỉ còn khoảng 300 người, cư trú đông nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Hiện nay, dân tộc này, từ nhà cửa, trang phục, cưới hỏi, ma chay… đều pha trộn, vay mượn của người Thái và người Khơ Mú trong vùng. Ngay cả tiếng nói, họ cũng dùng tiếng Khơ Mú, tiếng Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.

Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và miền núi

 CÁC DÂN TỘC

 LOẠI HÌNH VĂN HÓA

 TIN TỨC

 TAGS

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 15 người

Lượt truy cập: 4866891

 LIÊN KẾT WEBSITE

BAN DÂN TỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 108 Ngô Quyền, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 38552621, Fax: (08) 38591516

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ kho dữ liệu này.