Sôi nổi Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”

Cập nhật ngày: 20/11/2018 01:57
Số lượt xem: 414  In

 

(ĐCSVN) - Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” là hoạt động điểm nhấn trong sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018, do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức.

Ngày 18/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc và khai mạc Tuần “Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2018 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tới dự chương trình có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch các địa phương và đồng bào đại diện cho 14 cộng đồng dân tộc của 13 địa phương trên cả nước.

Các đại biểu dự Chương trình chụp ảnh lưu niệm với đồng bào các dân tộc

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018 nhằm tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu và du khách đã cùng hòa vào không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em, cùng "tay trong tay" với vòng xòe đoàn kết của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, hòa chung điệu xoang rộn ràng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên và thưởng thức các làn điệu độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer Nam Bộ.

Đồng bào dân tộc Chăm và Cơ Tu tham dự vòng xòe “Đoàn kết“ trong Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Chương trình có sự tham dự của gần 200 đồng bào đến từ 15 dân tộc như: Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, Chăm Bà La Môn, Raglai, Xơ Đăng, Ba Na, Chăm Islam, Sán Dìu.

Chị Y Duyên (dân tộc Xơ Đăng) chia sẻ:  “Tôi rất vui và tự hào khi được đại diện cho người Xơ Đăng tham gia ngày hội. Trong tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em, chúng tôi được trao đổi, tìm hiểu, giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em khác như: Tày, Thái, Chăm, Tà Ôi…”.

Đồng bào Xơ Đăng mang tới ngày hội các nhạc cụ dân tộc như: Đàn T’rưng, trống… để giới thiệu và biểu diễn.

Đồng bào Chăm, tỉnh An Giang biểu diễn múa truyền thống

Hòa chung không khí vui tươi của ngày hội, mọi người cùng nhau nhảy múa, ca hát…

Không chỉ trình diễn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mỗi dân tộc còn đem đến ngày hội một sản phẩm đặc trưng để giới thiệu với du khách.

Đó là sản phẩm dệt zèng của dân tộc Tà Ôi, đồ thủ công của dân tộc Khơ Mú…

…hay ẩm thực đặc trưng ở mỗi vùng miền.

Trong ngày hội còn có nhiều món ẩm thực đặc trưng như: Gà nướng, bánh dày, nộm rêu (dân tộc Thái); a cơ nẹp, a lăm bót (dân tộc Khơ Mú), rượu cần của các dân tộc vùng Tây Nguyên.... Ngày hội còn trưng bày  những hình ảnh về phong cảnh, cuộc sống, con người các dân tộc, triển lãm cây cảnh...

Người dân và du khách hòa mình trong không khí vui tươi, phấn khởi.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018 kéo dài đến hết ngày 23/11.

Nguồn Thế Dương - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 


Nguồn:

 CÁC DÂN TỘC

 LOẠI HÌNH VĂN HÓA

 TIN TỨC

 TAGS

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 18 người

Lượt truy cập: 4874298

 LIÊN KẾT WEBSITE

BAN DÂN TỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 108 Ngô Quyền, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 38552621, Fax: (08) 38591516

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ kho dữ liệu này.