Nghệ nhân vùng cao nặng lòng với cây khèn Mông

Cập nhật ngày: 16/09/2017 13:34
Số lượt xem: 419  In

 

01:03 16/09/2017

print 

Nghệ nhân vùng cao nặng lòng với cây khèn Mông

(ĐCSVN) – Sinh ra và lớn lên trên vùng núi đá tai mèo huyện Tủa Chủa, tỉnh Điện Biên, nghệ nhân Giàng A Sử được biết đến như là một trong những người tâm huyết đã dành cả cuộc đời cho việc bảo tồn, phát triển cây khèn, loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Nghệ nhân Giàng A Sử với cây khèn Mông do tự tay ông chế tác. Ảnh: PA

Đối với đồng bào dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa (Điện Biên), cây khèn không chỉ là loại nhạc cụ do ông cha truyền lại mà cây khèn, tiếng khèn réo rắt còn là kết tinh văn hoá truyền thống của người Mông. Vì vậy, những ai biết chế tác và sử dụng thành thạo cây khèn luôn được cộng đồng coi trọng, suy tôn. Được sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của nghệ nhân Giàng A Sử ở bản Huổi Lếch, xã Mường Báng, một trong số rất ít nghệ nhân của huyện Tủa Chùa vừa biết sử dụng lại vừa biết chế tác khèn Mông. Bên ấm trà nóng, nghệ nhân A Sử chia sẻ: Làm và sử dụng thuần thục khèn Mông là việc tương đối khó bởi nó đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận và nhất là phải thực sự có tình yêu đối với cây khèn Mông.

Cũng giống như bao chàng trai dân tộc Mông khác ở huyện vùng cao Tủa Chùa, ông Giàng A Sử học thổi khèn như cách để chứng tỏ mình là một chàng trai đã trưởng thành, mạnh mẽ, cuốn hút. Cây khèn đầu tiên ông Sử tự tay làm là khi ông 17 tuổi. Được cha truyền lại kỹ thuật làm khèn và với sự sáng ý, ông đã học, làm thử và tự chế tác thành công một chiếc khèn hoàn chỉnh cho riêng mình. Đến nay, nghệ nhân Giàng A Sử đã bước qua tuổi 80 với hơn 60 năm chế tác khèn Mông. Từ đôi tay tài hoa, khéo léo của ông đã có hàng trăm chiếc khèn Mông với đủ mọi kích cỡ. Theo kinh nghiệm làm khèn Mông của nghệ nhân Giàng A Sử thì để có được chiếc khèn Mông tạo ra thứ âm thanh đặc trưng, truyền thống đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều năm thể nghiệm, phải có đôi tai thẩm âm chuẩn và phải nghiêm túc trong từng công đoạn. Hiện nay, trong nhà ông Giàng A Sử vẫn treo cây khèn Mông mà ông tâm đắc nhất cũng là cây khèn ông mất nhiều thời gian chế tác nhất (trên 10 năm). Chính cái khó của việc làm chủ kỹ thuật chế tác khèn Mông nên trong số 4 người con trai của nghệ nhân Giàng A Sử chỉ có duy nhất 1 người học và theo được nghề. Đến nay, sau gần 20 năm truyền nghề cho con, ông Sử vẫn thường xuyên hỗ trợ, kèm cặp con trong việc chỉnh âm cho những chiếc khèn Mông.

Được biết, cùng với việc chế tác khèn Mông, nghệ nhân Giàng A Sử còn là người đi đầu trong việc truyền dạy, hướng dẫn thế hệ trẻ người Mông sử dụng loại nhạc cụ độc đáo này. Ngay tại nhà mình, ông đã mở nhiều lớp dạy thổi khèn Mông. Với kinh nghiệm và tình yêu dành cho cây khèn Mông, nghệ nhân Giàng A Sử đã tận tình hướng dẫn, kèm dạy, chỉnh sửa cho các bạn trẻ từ động tác cầm khèn, cách điều tiết hơi đến động tác múa khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông. Nhờ đó đến nay, không chỉ ở bản Huổi Lếch mà tại nhiều bản khác thuộc xã xã Mường Báng (Tủa Chùa), lớp thanh niên cơ bản đều biết sử dụng cây khèn Mông. Trong các dịp lễ hội truyền thống, tiếng khèn Mông lại vang lên réo rắt như một sự ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Giàng A Sử trong việc bảo tồn, phát triển cây khèn, loại nhạc cụ truyền thống của người Mông. Anh Vàng A Huôi ở bản Huổi Lực 1, xã Mường Báng chia sẻ: “Trước đây em không biết thổi khèn Mông đâu, may nhờ có già A Sử hướng dẫn nên nay em đã sử dụng cây khèn khá thuần thục. Vừa rồi, em còn được ở trong đội hình tham gia giao lưu khèn Mông giữa các bản”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa (Điện Biên) cho biết: Việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc nói chung, bảo tồn, phát triển cây khèn Mông nói riêng từ lâu đã được lãnh đạo huyện quan tâm thường xuyên. Trong đó, việc phát huy vai trò của các nghệ nhân như ông Giàng A Sử là đặc biệt quan trọng. Huyện đã thường xuyên quan tâm động viên các nghệ nhân tích cực truyền dạy cho con cháu và thế hệ trẻ, qua đó góp phần bảo lưu những nét văn hoá truyền thống.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bắc, ngay từ năm 2009, huyện Tủa Chùa đã xây dựng dự án khôi phục khèn Mông, bằng việc mở lớp dạy thổi và múa khèn cho thanh, thiếu niên. Hàng năm, địa phương đã khuyến khích và duy trì tổ chức các hoạt động du xuân, ngày hội văn hóa các dân tộc, nhằm tạo sân chơi cho các thế hệ trước và sau có dịp thể hiện, giao lưu, học hỏi và phô diễn, thông qua đó gìn giữ tốt nhất các điệu khèn.

Với tình yêu, lòng nhiệt tình và những đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển cây khèn Mông, nghệ nhân Giàng A Sử đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Song, như lời chia sẻ mộc mạc của ông thì phần thưởng có ý nghĩa lớn nhất chính là cây khèn Mông, tiếng khèn Mông được gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên, có một điều mà người nghệ nhân hơn 80 tuổi vẫn luôn đau đáu đó là việc truyền dạy nghề chế tác khèn Mông. Do đây là một việc khó, thu nhập không cao, đòi hỏi sự đam mê và tình yêu với cây khèn nên nghệ nhân Giàng A Sử mong có sự chung tay của chính quyền các cấp trong việc giữ gìn nghề chế tác khèn Mông.

Tạm biệt nghệ nhân Giàng A Sử khi bóng chiều ngả dần phía sau những ngọn núi đá tai mèo, với những con người nặng lòng cùng cây khèn Mông như nghệ nhân Giàng A Sử, tin tưởng và hy vọng cây khèn Mông sẽ thực sự trường tồn. Và trong mỗi buổi chợ phiên, những dịp lễ hội..., âm thanh réo rắt đặc trưng của tiếng khèn Mông sẽ lại ngân vang mãi như một nét độc đáo riêng có trong văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở xứ sở đá tai mèo Tủa Chùa (Điện Biên).

Nguồn Phan Anh - Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam


Nguồn:

 CÁC DÂN TỘC

 LOẠI HÌNH VĂN HÓA

 TIN TỨC

 TAGS

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 15 người

Lượt truy cập: 4873058

 LIÊN KẾT WEBSITE

BAN DÂN TỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: 108 Ngô Quyền, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 38552621, Fax: (08) 38591516

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ kho dữ liệu này.